Thứ Sáu, 5 tháng 9, 2014

Gian nan quản lý nhân viên có vấn đề

Có lẽ một trong những công việc khó khăn nhất của nhà quản lý là đối phó với những nhân viên “có vấn đề”. Cho dù đó là vấn đề gì - sự chậm trễ về thời gian, thái độ ứng xử tuỳ tiện hay thực thi công việc thiếu hiệu quả - thì nhà quản lý cũng cần có phản ứng ngay lập tức. Nếu để vấn đề tiếp tục kéo dài hay tiến triển, chắc chắn hậu quả sẽ khó lường, bởi nó gây một ảnh hưởng tiêu cực tới bạn, tới toàn thể nhân viên, thậm chí làm xấu đi hình ảnh cũng như văn hóa công ty bạn.

Bước đầu tiên để đối phó với một nhân viên “có vấn đề” là nhận ra các rắc rối của anh ta. Một trong những nhân viên của bạn có thể liên tục đi làm muộn giờ hay dành quá nhiều thời gian để tán chuyện với đồng nghiệp, thay vì cần phải tập trung vào công việc của mình. Những nhân viên này có thể thiếu những kỹ năng cần thiết để hoàn thành công việc, cũng có thể anh ta đang có sự xung khắc, bất đồng với các nhân viên khác hay với ban lãnh đạo, hoặc anh ta vi phạm nội quy, nguyên tắc chung, hay coi thường các chính sách của công ty…

Không ít lần, một cuộc nói chuyện thân mật và đơn giản với nhân viên sẽ giúp bạn hoá giải các vấn đề phát sinh, chẳng hạn như việc nhân viên thỉnh thoảng đi làm muộn, hay có một hành vi không thích hợp…. Tuy nhiên, những kiểu tư duy đã thành thói quen hay vấn đề thiếu hiệu quả công việc sẽ cần phải có nhiều cuộc đối thoại hơn giữa bạn và nhân viên.

Có hai cách hành động mà bạn có thể áp dụng đối với một nhân viên “có vấn đề”. Cách đầu tiên và cũng là cách thức hiển nhiên nhất là đưa nhân viên đó đi vào nề nếp, kỷ luật. Việc này có thể bao gồm nhiều nội dung như đưa ra những cảnh báo bằng văn bản, phân công nhiệm vụ khác, hay điều động nhân viên sang bộ phận khác. Hành động này thích hợp với những vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, chẳng hạn như những vấn đề đang diễn ra liên quan đến việc vi phạm, coi thường các quy định, nội quy của công ty.

Sự lựa chọn thứ hai đó là huấn luyện và giáo dục. Phương pháp này thường là sự lựa chọn tối ưu đối với những vi phạm lần đầu, khi hiệu quả công việc không như mong muốn, hay các nhân viên thực thi nhiệm vụ thiếu tính chuyên nghiệp. Việc huấn luyện yêu cầu nhà quản lý cần làm việc trực tiếp với các nhân viên đó, hoặc phân công một nhân viên khác làm việc cùng với nhân viên này để giúp họ khắc phục những khiếm khuyết. Còn giáo dục là đưa ra cho nhân viên những ý kiến phản hồi và giải pháp giúp cải thiện công việc của họ. Nhìn chung, cả huấn luyện lẫn giáo dục đều đòi hỏi tính kiên nhẫn và thời gian của nhà quản lý, nhưng kết quả mà nó mang lại là giúp giải quyết các vấn đề, khúc mắc đang tồn tại.

Để quản lý thành công các nhân viên đặc biệt này, bạn cần nhanh chóng nhận ra và nắm bắt nguyên nhân sâu xa của vấn đề. Dưới đây là một số hiện tượng thường phát sinh trong đội ngũ nhân viên của bạn cùng các cách thức đương đầu với chúng:

1. Làm việc thiếu hiệu quả

Nguyên nhân thực sự của việc hoạt động thiếu hiệu quả không phải lúc nào cũng là do nhân viên không có đủ kỹ năng cần thiết. Sự thiếu tổ chức một cách khoa học, hay tính cách tuỳ tiện cũng có thể là nguyên nhân khiến cho những việc làm của nhân viên không đem lại kết quả như mong đợi. Thông thường, những thói quen này có thể được chỉnh sửa bằng sự hướng dẫn, chỉ bảo thích hợp. Nếu khó khăn của nhân viên bắt nguồn từ việc họ thiếu các kỹ năng chuyên môn cần thiết, thì bạn cần quan tâm đến việc   đào tạo   và huấn luyện.

2. Không tương thích với công việc

Trong một số trường hợp, vấn đề của nhân viên có thể phát sinh do các kỹ năng của họ không phù hợp với nhiệm vụ được phân công hay các công việc thường nhật. Lúc này, bạn nên tổ chức những khoá học bổ sung. Bạn cũng có thể phân công nhiệm vụ khác cho nhân viên, và đây xem ra là sự lựa chọn thích hợp nhất.

3. Tuỳ tiện trong công việc

Những sai sót và sự tuỳ tiện luôn rất dễ dàng phát hiện ra. Khi bạn để ý thấy một nhân viên phạm phải sai lầm, hãy chỉ ra các lỗi đó và giám sát công việc của họ kỹ lưỡng hơn. Nếu tình trạng này vẫn tiếp tục lặp lại, bạn hãy nói chuyện với nhân viên và chỉ ra các sai sót điển hình và nghiêm trọng nhất trong công việc của họ. Tuy nhiên, bạn cần phải luôn biểu lộ một thái độ thiện chí và tập trung vào tầm quan trọng của những đóng góp mà nhân viên đã đem lại cho công ty. Chắc hẳn bạn không muốn mắng mỏ nhân viên, mà bạn muốn đưa ra những phê bình mang tính xây dựng.

4. Hành vi và thái độ phá quấy

Hãy cố gắng để nhân viên đứng về phía bạn. Đưa nhân viên ra ngoài dùng bữa trưa hay uống một tách cà phê, nhân đó tạo cho nhân viên này cơ hội để bộc lộ hết suy nghĩ và lo lắng của mình về những điều đang gây rắc rối cho họ, làm cho họ không thể thực thi công việc theo yêu cầu. Trong trường hợp này rất có thể sẽ là vấn đề cá nhân hay cảm giác tự ti vì nhân viên này cho rằng mình không được coi trọng trong công ty.

Nếu vấn đề thực sự nghiêm trọng, bạn hãy tổ chức một cuộc họp kín với nhân viên và cho họ thấy những bằng chứng về thái độ, hành vi sai trái của họ. Sau đó, thảo luận về những hệ quả mà họ có thể phải đối mặt như chịu trách nhiệm hành chính, giáng cấp hay sa thải, nếu anh ta không chịu thay đổi và mọi việc vẫn tiếp diễn như trước.

Khi quản lý một nhân viên “có vấn đề”, sẽ rất có ích nếu bạn ghi chép lại mọi phiền phức đó và lưu hồ sơ tất cả các buổi họp cùng với những hành động đã tiến hành. Nhân viên thường quan tâm đến các cảnh báo bằng văn bản với thái độ nghiêm túc hơn là những khiển trách bằng lời nói. Việc xây dựng một hệ thống văn bản giấy tờ lưu giữ các vấn đề và sự kiện, vì thế, vô cùng thiết yếu, đặc biệt khi bạn cảm thấy không thể chịu đựng được thêm và quyết định… sa thải nhân viên.

(Quantri.Vn)

Những bài học bổ ích từ cách quản lý của Apple

Hiện tại, khi nhắc đến Apple, người ta luôn nghĩ ngay đến hình ảnh của một công ty tốt nhất trên thế giới. Bởi họ luôn biết cách tạo ra các sản phẩm tốt nhất cho người dùng và đem lại những khoản doanh thu kỷ lục. Theo những báo cáo mới nhất thì Apple đang là công ty có tổng giá trị tài sản lớn nhất trên thế giới.

Vậy thì đâu là những gì tạo nên thành công của Apple và các công ty công nghệ khác liệu có thể học hỏi từ họ không? Tác giả Adam Lashinsky của Fortune đã viết một cuốn sách có tên: Bên trong Apple: Những bí mật mà các công ty Mỹ nên học hỏi. Trong cuốn sách này Adam đã cho rằng có một số thứ có thể áp dụng và hiệu quả với Apple nhưng lại chưa chắc đã tỏ ra hiệu quả với các công ty khác bởi ông tin rằng có khá nhiều thứ mà Apple chỉ có thể vào thời điểm đó.

Tuy nhiên thì đó cũng chỉ là ý kiến chủ quan của tác giả cuốn sách vì dù là gì đi chăng nữa thì cũng không phải ngẫu nhiên mà Apple lại có được thành công như hôm nay, bí mật từ bên trong cách hoạt động của công ty này cũng có thể là thứ mà các ông lớn khác như Google hay Microsoft phải học hỏi. Hãy cùng tìm hiểu xem liệu rằng Apple có những bí mật gì mà các công ty khác có thể noi theo.

1. Tập trung   nhân sự   giỏi nhất cho dự án quan trọng nhất

Điều này thì nghe có vẻ như là quá rõ ràng nhưng nó không hẳn là luôn luôn tốt và không phải công ty nào cũng có thể áp dung nó một cách đúng đắn. Bởi nó sẽ làm thay đổi cả cấu trúc nhân sự dẫn đến sự thay đổi hoạt động của cả một công ty.

Và Apple là một ví dụ không thể tốt hơn. Khi công ty này bắt đầu nghiên cứu iPhone, họ đã tập trung tất cả những người tài năng nhất của công ty lại để cùng làm việc với nhau. Khi đó thì nhân sự từ các bộ phận khác của công ty được tập trung cho iPhone trong đó có cả bộ phận phát triển hệ điều hành Mac. Đây có thể là lý do cho việc ở thời điểm, hệ điều hành Mac gần như chỉ dậm chân tại chỗ và không có bất kỳ một sự cập nhật đáng kể nào.

2. Giữ bí mật tuyệt đối

Tại Apple, bí mật không có nghĩa là bạn không tiết lộ những hoạt động của công ty với giới truyền thông. Họ định nghĩa bí mật ở một mức độ lớn hơn: Bí mật là khi mà bạn không nói cho ai khác kể cả đồng nghiệp về những gì mà mình đang làm.

Bí mật cũng có những cái hay của nó. Bí mật sẽ giảm thiểu được tối đa các thông tin về sản phẩm mới nhất đang được phát triển bị rò rỉ ra ngoài và đến tai những kẻ đối địch. Bên cạnh đó thì nó cũng giúp cho nhân viên của Apple tập trung hơn vào công việc của mình thay vì lo lắng cho kẻ khác.

3. Tập trung cho các "tiểu tiết”

Trong cuốn sách của mình, tác giả Adam Lashiky có nói rằng Apple đã dành riêng hẳn một phòng làm việc để nhân viên của họ thiết kế các sản phẩm và vỏ hộp của chúng. Apple muốn rằng người dùng sẽ phải reo lên khi cầm trong tay sản phẩm iPhone của họ. Chú ý tới từng chi tiết nhỏ nhặt cũng là một sự khác biệt lớn của công ty này với các đối thủ của họ. Thành công luôn bắt đầu từ những điều nhỏ nhất và Apple đã áp dụng rất thành công chân lý này.

4. Làm ra những gì mà mình muốn

Apple đã tạo nên chiếc máy tính Mac đầu tiên chỉ bởi vì: "Chúng tôi thực sự muốn một thiết bị như thế”. Đó là những gì mà Steve Jobs đã nói vào những năm 80 và điều đó cũng đã xảy ra với iPhone và iPad trong thời điểm đầu những năm 2000. Ban đầu vị CEO của Apple rất ghét smartphone bởi cách sử dụng rối rắm của chúng. Ông muốn một chiếc smartphone dễ sử dụng hơn và Apple đã tạo ra thứ mà họ tin rằng tốt hơn tất cả các sản phẩm đang có trên thị trường.

5. Tập trung tuyệt đối

Hãy nghĩ về Google, họ cũng có những sản phẩm rất tốt nhưng hầu hết là chúng không có nhiều điểm nhấn. Một trong những điểm mạnh và là nguyên tắc làm việc của Apple đó là những gì họ làm giống như một cái bàn. Công việc của họ là làm cái bàn đó to hơn chư không phải là làm ra nhiều cái bàn. Luôn tập trung tất cả cho công việc đó chính là Apple.

6. Quan tâm đến người dùng

Apple không chỉ biết cách làm việc một cách tập trung mà họ còn rất biết quan tâm tới người dùng. Các sản phẩm của công ty đều rất gần gũi với người dùng và Apple luôn biết phải làm gì để thỏa mãn người dùng. Một ví dụ đó là Tim Cook đã nhận thấy rằng những người đã mua và sử dụng Apple TV đều rất thích sản phẩm này. Từ đó ông đã đặt ra mục tiêu biến Apple TV là sản phẩm dẫn đầu của một thị trường mới với chỉ một lý do quan trọng nhất là người dùng thích nó.

7. Không phải lo đến các báo cáo tài chính

Chỉ cần một vài người quan tâm tới doanh thu và thế là đủ còn những người khác thì hãy cứ làm công việc của mình. Tại Apple, chỉ có giám đốc tài chính CFO, Peter Oppenheimer là chức vụ chính phải làm việc với những khoản lỗ và lãi, ngoài ra thì còn có giám đốc điều hành CEO Tim Cook cũng cần phải để ý tới vấn đề này.

Ở những công ty bình thường thì doanh thu là một vấn đề sống còn nhưng tại Apple, Steve Jobs khiến nó khác đi bằng cách giới hạn nó cho một vài người để những người khác có thể thoải mái đưa những gì tốt nhất vào sản phẩm của Apple mà không cần phải quan tâm nhiều tới chi phí.

8. Trực tiếp chịu trách nhiệm cá nhân

Đây là một cụm từ rất quan trọng với Apple. Nó có nghĩa là mỗi một sản phẩm hay một tính năng nào đó sẽ có một người phải chịu trách nhiệm cho sự thành công hoặc thất bại của sản phẩm hay tính năng đấy. Tại Apple không có sự chịu trách nhiệm của một tập thể và nếu bạn là một trưởng nhóm làm việc thì tốt nhất là cố gắng làm thật tốt công việc của mình.

9.   tuyển dụng   những người tốt nhất có thể

Cựu nhân viên của Apple đã trích lời nói của Steve Jobs: "Đội A sẽ thuê cầu thủ A, còn đội B có thể sẽ thuê cả cầu thủ C nhưng chúng ta sẽ chỉ thuê cầu thủ A mà thôi”. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi nhân sự là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của một công ty và Apple luôn muốn nhân viên của mình là số một.

10. Giới hạn ban giám đốc

Apple không cho phép nhân viên của mình làm một việc gì đó mà không phải là việc của Apple. Tim Cook là người duy nhất được ngồi vào vị trí giám đốc của cả hai công ty là Apple và Nike. Khi Andy Miller, trưởng nhóm iAds đã hỏi Steve Jobs về việc liệu mình có thể ngồi vào ghế giám đốc của một công ty khác, Jobs đã nói rằng, "Cậu không thể bỏ một phần công việc ở đây để đi lo chuyện của một công ty khác được." Văn hóa của Apple là luôn luôn bắt mọi người làm tròn trách nhiệm của họ.

11. Giới hạn số lượng nhân viên

Apple luôn cố gắng giới hạn số nhân viên của họ cho một dự án ở dưới 100 nhân viên kể cả khi đó là một dự án lớn. Sau khi đã tạo ra Mac, Jobs vẫn luôn muốn giữ số lượng nhân viên ở trong khoảng đó bởi ông cho rằng điều này sẽ khiến nhóm làm việc tập trung và hiệu quả hơn.

12. Không thăng chức bừa bãi cho nhân viên

Tại hầu hết các công ty, khi một nhân viên hoàn thành tốt công việc của họ, họ sẽ dễ dàng được thăng chức. Nhưng với Apple thì không bởi công ty này sẽ cố gắng để nhân viên của mình làm việc ở vị trí mà họ làm tốt nhất.

Chẳng hạn như bạn là một nhà thiết kế giỏi nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc bạn sẽ một nhà quản lý giỏi. Ở một công ty bình thường, bạn sẽ có thể được thăng chức lên những vị trí cao hơn nhưng tại Apple thì điều đó hầu như không xảy ra, bạn chỉ có thể được trả nhiều   lương   hơn để vẫn làm công việc đó. Đây là một trong những triết lý hay của Apple mà các công ty khác nên áp dụng.

13. Kiểm soát tốt thông tin

Bộ phận PR của Apple rất nổi tiếng với giới truyền thông bởi họ rất kín tiếng và rất ít khi trả lời báo chí. Và nếu có thì họ luôn sử dụng những ngôn từ ngắn gọn nhưng dễ hiểu với báo chí và người dùng. "Táo khuyết" không muốn những thông tin của mình bị báo chí soi mói nhiều.

14. Đặt thiết kế lên hàng đầu

Hầu hết các công ty khác, khi phát triển một sản phẩm mới, họ thường bắt đầu với ý tưởng, kế hoạch marketing sau đó mới bàn đến thiết kế nhưng Apple thì lại làm điều ngược lại: Các nhà thiết kế sẽ phác thảo sản phẩm lên những tấm bìa khi đã thống nhất về thiết kế, Apple mới bắt đầu nghĩ đến các thứ khác. Họ cho rằng thiết kế tốt sẽ gây ấn tượng mạnh với người mua hàng hơn là những thứ khác.

15. Khách hàng là quan trọng nhất

Đây chính là điều quan trọng nhất của Apple, họ tạo ra sản phẩm và làm cho người dùng thích nó. Khi người dùng đã cảm thấy thích sản phẩm của họ tức là họ đã thành công và tất cả những thứ còn lại sẽ tự động đi theo đúng quỹ đạo của chúng.

Tham khảo: BusinessInsider

0 nhận xét :

Đăng nhận xét